26.400 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Vành đai 3 ở TP HCM

Vành đai 3 TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương

Kinh phí giải phóng mặt bằng làm các dự án thành phần thuộc Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM hơn 26.400 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Mức này vừa được Sở Giao thông Vận tải báo cáo UBND TP HCM, đồng thời kiến nghị đưa dự án vào danh mục sẽ đầu tư giai đoạn trung hạn 2021-2025. Thành phố sẽ cân đối vốn ngân sách giải phóng mặt bằng các dự án thuộc Vành đai 3 trên địa bàn, tương tự các tỉnh khác có dự án đi qua. Việc này thực hiện sau chỉ đạo của Thủ tướng giao các địa phương chủ động giải phóng mặt bằng và làm các công việc liên quan để đầu tư tuyến đường. Bộ Giao thông Vận tải sẽ có vai trò điều phối thực hiện các dự án.

Sơ đồ quy hoạch Vành Đai 3 TP.HCM

Sơ đồ quy hoach đường Vành đai 3 TP HCM. Đồ họa: Thanh Nhàn.

Vành đai 3 đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, tổng chiều dài hơn 98 km, Được duyệt 10 năm trước nhưng toàn tuyến hiện chỉ đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn, dài hơn 16 km ở Bình Dương hoàn thành. Trong các đoạn còn lại, Bộ Giao thông Vận tải đã duyệt hai dự án thành phần 1A (tỉnh lộ 25B – cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây) và 1B (cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây – xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức). Các dự án thành phần 2A, 2B, đoạn 3, đoạn 4 đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Dự án 1A đi qua TP HCM và Đồng Nai (dài 8,7 km) tổng mức đầu tư 7.576 tỷ đồng được tài trợ từ vốn ODA của Hàn Quốc. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng dự án này trên địa bàn TP HCM hiện gần 1.600 tỷ đồng, tăng 1.450 tỷ đồng so với trước. Sở Giao thông Vận tải đang kiến nghị thành phố nghiên cứu nguồn vốn để khởi công dự án. Dự án 1B nằm toàn bộ trên địa bàn TP HCM (dài gần 9 km) thực hiện theo hình thức BOT. Ngân sách thành phố sẽ bố trí giải phóng mặt bằng đoạn này với kinh phí hơn 5.300 tỷ đồng.

Các dự án còn lại sẽ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). TP HCM cùng các địa phương liên quan giải phóng mặt bằng và Trung ương hỗ trợ một phần xây lắp nếu không cân đối được tài chính. Dự kiến, nguồn lực làm các dự án này tại thành phố sẽ được cân đối từ tỷ lệ vốn ngân sách được giữ lại và khai thác quỹ đất dọc tuyến.

“Đây là định hướng chung để đầu tư các dự án thuộc vành đai 3 sắp tới. Dự án nào cấp bách, các bên sẽ phân cấp và phối hợp triển khai đồng bộ dưới sự điều phối của Bộ Giao thông Vận tải”, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM nói và cho biết trường hợp dự án đi qua hai địa phương sẽ có đánh giá tổng thể chọn bên chủ trì đảm nhận thực hiện, kêu gọi đầu tư.

Trước đó làm việc với bộ ngành, địa phương hôm 14/5, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu đến năm 2025 khép kín Vành đai 3 và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các địa phương lập phương án nghiên cứu tiền khả thi dự án. Những trở ngại pháp lý của dự án nếu cần thiết Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp sắp tới để đẩy nhanh tiến độ.

Liên quan giải phóng mặt bằng Vành đai 3, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ trình Quốc hội để ra nghị quyết giao tỉnh thành có thẩm quyền giải phóng mặt bằng khi dự án đi qua địa phương. Do đó nơi nào làm chậm sẽ phải chịu trách nhiệm. Bộ Giao thông Vận tải cũng lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chia dự án thành phần theo các địa phương hoặc gộp lại theo tỉnh thành liền kề nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai.

Gia Minh

Theo VNExpress

5/5 (1 Review)

One thought on “26.400 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Vành đai 3 ở TP HCM

  1. Pingback: Đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức sẽ trình Bộ Xây dựng trước 15/10 - Thành Phố Thủ Đức

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

0937.358.008
chat-active-icon
chat-active-icon